Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

25/04/2024 08:30 GMT+7

Dù các nhà xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình hoạt động công khai, nhưng theo nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, phần vì lực lượng mỏng, phần vì các nhà xe tìm mọi cách "đối phó" nên vẫn chưa xử lý được tình trạng bát nháo.

Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động của các nhà xe hợp đồng trá hình ở tỉnh Quảng Bình, phóng viên Báo Thanh Niên đã ghi nhận những sai phạm khá rõ ràng của các nhà xe.

Những hành vi sai phạm "rõ như ban ngày" cứ lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác của các nhà xe, ngoài vi phạm các quy định, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, mất an toàn trật tự xã hội.

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình- Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Nghị định số 10/2020 đã quy định rõ ràng về "kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng" và "kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô", thể hiện tại khoản 2, 3 điều 7 và khoản 2, 3 điều 8.

Cụ thể, hợp đồng vận chuyển (hoặc hợp đồng lữ hành) phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). Chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Trong thời gian 1 tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị…

Vì thế, sai phạm của các nhà xe Hưng Long, Hoàng Linh, Thành Chung, Thuận Béo... mà Thanh Niên đã phản ánh cho thấy vi phạm rất rõ.

Bát nháo xe khách hợp đồng trá hình ở Quảng Bình

Chưa hết, với việc xe hợp đồng trá hình ngày càng được mở rộng, xe không vào bến bãi còn đặt ra một vấn đề thất thu thuế.

Theo Quyết định 41/2023 ngày 6.12.2023 của UBND tỉnh Quảng Bình quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì mức thu bình quân mỗi chuyến xe xuất bến là 283.000đ/chuyến.

Như vậy, nếu tạm lấy con số 30 xe khách hợp đồng tuyến cố định Quảng Bình đi Hà Nội mỗi ngày (như cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình ghi nhận), mỗi tháng địa phương thất thu khoảng 254 triệu đồng. Nếu tính thêm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ khác như hoa hồng bán vé, dịch vụ vệ sinh, nghỉ qua đêm… khoảng 135.000 đồng/chuyến, khoản thất thu sẽ cộng thêm 121 triệu đồng/tháng. Vị chi mỗi tháng thất thu khoảng 375 triệu đồng.

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?- Ảnh 1.

Nhà xe Thuận Béo đón khách ở ngã ba chợ Lý Hòa (H.Bố Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4

Theo số liệu của Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình), tổng cộng toàn tỉnh Quảng Bình có 51 đơn vị (469 phương tiện) hoạt động xe hợp đồng và xe du lịch.

Hầu hết các đơn vị, phương tiện đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng trong danh sách thống kê này lại không có tên của nhà xe xe hợp đồng trá hình như Hưng Long, Hoàng Linh, Thuận Béo, Thuận Hiền, Thành Chung, Đức Đạt, Cố Hương…

Ông Hoàng Ngọc Dũng, Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Quảng Bình) cho biết các nhà xe này đều không đăng ký hoạt động với Sở mà đăng ký tại các địa phương khác, chủ yếu là với thành phố Hà Nội, nên Sở không kiểm tra được.

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?- Ảnh 2.

Nhiều nhà xe hợp đồng trá hình chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4 để đón khách, lấy hàng

Có nhiều thời gian, Sở GTVT Quảng Bình tổ chức đoàn kiểm tra rất "rát" với xe hợp đồng trá hình, kéo dài 1 tuần đến nửa tháng. Đơn vị đã xử phạt được không ít trường hợp, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đó.

Trong khi đó, thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết việc xe hợp đồng trá hình hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra nhiều năm nay. Phần gốc của vấn đề là Sở GTVT phải quản lý cho được những nhà xe này. Còn khâu kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi đậu đỗ sai quy định, đón trả khách sai quy định… của lực lượng CSGT chỉ giải quyết phần ngọn.

Nếu muốn đưa các nhà xe vào khuôn khổ, tức là vào bến xe, thì cần phải lưu ý cơ sở hạ tầng của các bến xe trên địa bàn có đủ để đón số lượng xe khá lớn này vào bến không?

Vừa qua, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình, có cử tri nêu ý kiến về xe hợp đồng trá hình. Công an tỉnh đang giao Phòng CSGT, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an thành phố Đồng Hới…xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm soát, xử lý về mọi mặt của xe hợp đồng trá hình ngay trong tháng 4 này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.