Cái roi mây

07/04/2013 03:20 GMT+7

Hồi còn bé, lũ trẻ ở quê tôi, mỗi lần thấy ba rút cái roi mây trên mái nhà xuống đứa nào cũng sợ xanh mặt. Cái roi mây nhịp theo bàn tay ba mỗi lần vút xuống mông đau thấu xương: Có còn đút vở bụi tre nữa không? Có còn hái trộm xoài ổi của người ta không? Có còn đánh lộn nữa không? Có còn lội nước lụt nữa không?...

Chúng tôi cứ dạ vâng răm rắp và cùng những lời hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Ấy vậy mà chỉ dăm ba bữa, đâu lại vào đó và cái roi mây của ba lại có “công ăn việc làm”. Mỗi lần roi mây vụt vào mông là sự ân hận, là tiếng khóc, là lời xin lỗi, và ở góc nhà, mẹ đứng yên lấy vạt áo lau nước mắt.

Khi lũ trẻ bắt đầu ý thức được việc làm của mình, cái roi mây của ba dường như ngủ quên trên mái nhà. Lớn thêm chút nữa, đứa nào cũng hiểu rằng cái roi mây của ba góp một phần không nhỏ giúp chúng tôi trưởng thành. Bây giờ người ta dạy con, ít ai sử dụng roi. u cũng là quy luật của cuộc sống. Câu nói: “Thương con cho roi cho vọt/Ghét con cho ngọt cho bùi” trở nên lạc hậu trong quan điểm giáo dục mới, trong suy nghĩ của không ít người thời nay. Nhưng với tôi, trong chiều sâu tâm tưởng, vẫn còn đó sự hàm ơn với cái roi mây thuở bé cùng những lời khuyên dạy của ba.

  Nguyễn Văn Học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.