Giám sát lời hứa

16/11/2012 03:55 GMT+7

Đọc các báo cáo thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3 được các bộ, ngành gửi tới đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này, cũng như theo dõi các phiên chất vấn mới thấy câu “múa con số” rất là chính xác.

Tất cả các báo cáo thực hiện trả lời chất vấn dài vài chục trang, trình bày về mươi vấn đề, chủ yếu là liệt kê các văn bản đã ban hành, đã chỉ đạo, đã đốc thúc, còn kết quả thế nào thì không có.

Sau các màn “múa con số” tại Quốc hội (QH), tâm trạng chung của nhiều đại biểu (ĐB) là ấm ức. Ấm ức nhưng vẫn phải cho qua. Nguyên nhân là QH đã không có một hệ thống thông tin phát triển và độc lập để kiểm chứng những con số được “múa” tại các phiên chất vấn, cũng như không đủ định chế để xem xét trách nhiệm chính trị - kết quả của các phiên chất vấn.

Chẳng hạn như, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã dễ dàng vượt qua phiên “trả bài” chỉ bằng vài kỹ thuật đơn giản, kiểu như “giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới, nhưng nó không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”, rằng “sắp tới” sẽ có nghị định để kiểm soát chất lượng và chuẩn hóa thị trường. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) dù có không bằng lòng cũng chỉ có thể nói: “Thống đốc đừng nghĩ là dân không biết gì”. Sự bất lực của ĐB Tuyết, cũng như nhiều ĐB khác trước các câu trả lời “chả ra sao” của một số thành viên Chính phủ xuất phát từ việc các phiên chất vấn ở QH ta thực chất là một cuộc hỏi đáp, hoàn toàn không có không khí tranh luận và quan trọng là không có công cụ để biểu thị mức độ thỏa mãn của QH đối với các câu trả lời. Thỏa mãn thì QH tiếp tục nghị trình, không thỏa mãn thì QH phải đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm.

Kết quả của chất vấn bao giờ cũng phải kết thúc bằng một nghị quyết thể hiện mức độ hài lòng của QH, còn ở ta, đó là kết luận của Chủ tịch QH. Chủ tịch nói, đây là một phiên chất vấn thành công, dân chủ nhưng đại biểu QH không  nghĩ vậy thì cũng chịu.

QH kỳ 4 rồi cũng sẽ ban hành Nghị quyết chất vấn (vào cuối kỳ họp), giống như đã từng làm tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11.2011). Nhưng vấn đề là chúng ta chẳng có cơ chế nào để buộc các bộ trưởng đã “hứa” rồi thì phải làm, ngoài việc thống kê lại lời hứa đó. Như đã nói, các bộ ngành đều đã có báo cáo thực hiện Nghị quyết chất vấn, tức là thực hiện lời cam kết khi trả lời QH tại các kỳ họp trước, nhưng tại kỳ họp này, QH hay đúng hơn là không cơ quan nào của QH biết việc thực hiện ấy hiệu quả đến đâu, các câu trả lời đúng hay không để trả lời cho cử tri.

Một Bộ trưởng Tư pháp của Đan Mạch từng phải từ chức vì các ông nghị phát hiện ra có sự sai lệch trong các thông tin mà ông này cung cấp cho  QH. Đánh giá các câu trả lời và giám sát thực hiện lời hứa do vậy quan trọng hơn là có được các lời hứa.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.