Người hâm mộ bóng đá Sài Gòn tiếp tục chờ

20/08/2012 12:27 GMT+7

(TNO) Hơn 20.000 khán giả đã đến chật kín sân Thống Nhất để tìm lại không khí xưa, nhưng tiếc rằng hương vị ấy không được trọn vẹn khi Sài Gòn Xuân Thành không thể đánh bại Hà Nội T&T và để chiếc cúp vô địch rơi vào tay SHB.Đà Nẵng.

(TNO) Hơn 20.000 khán giả đã đến chật kín sân Thống Nhất để tìm lại không khí xưa, nhưng tiếc rằng hương vị ấy không được trọn vẹn khi Sài Gòn Xuân Thành không thể đánh bại Hà Nội T&T và để chiếc cúp vô địch rơi vào tay SHB.Đà Nẵng.

>> Sài Gòn Xuân Thành vỡ mộng vô địch V-League 2012
>> V-League 2012 hạ màn vẫn tồn đọng nhiều nỗi lo
>> SHB.Đà Nẵng vô địch V-League 2012 đầy kịch tính

 
Đã lâu lắm rồi người hâm mộ bóng đá Sài Gòn mới đến chật sân Thống Nhất để ủng hộ đội nhà - Ảnh: Khả Hòa

Nhiều người hẳn cho rằng Sài Gòn Xuân Thành mới lên hạng đã làm được như thế là hay lắm rồi, hơn nữa đã giúp bóng đá Sài Gòn tìm lại vị trí trên bản đồ bóng đá nước nhà chứ không chỉ lo trụ hạng mỗi khi bước vào mùa giải mới. Vì vậy cứ đợi mùa giải năm sau xem sao.

Thật ra cảm giác của một trận chung kết đối với người dân Sài Gòn không phải là 10 năm (Cảng Sài Gòn vô địch V-League 2002) mà là 17 năm, bởi họ được xem trận chung kết đúng nghĩa sau cùng vào năm 1995, khi CA TP.HCM gặp Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất trong trận đấu cuối cùng của mùa giải để phân tranh cao thấp. Và ai cũng biết năm đó dàn cầu thủ tài năng của CA TP.HCM như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Liêm Thanh, Thiện Quang, Chí Bảo… đã lên ngôi vô địch một cách xứng đáng.

Tuy nhiên khi nhìn lại, dù được xem là trận chung kết nhưng trận đấu chiều qua vẫn chưa thể giúp người dân Sài Gòn tìm lại được “hình bóng xưa”, bởi dường như “cái hồn” Sài Gòn đã không còn hiển hiện nữa.

Khi đó người hâm mộ bóng đá Sài Gòn chẳng được các đội bóng ưu ái như bây giờ, không được mở cửa tự do vào sân, cũng chẳng có bia uống miễn phí ngoài sân. Họ phải tranh nhau từng tấm vé ở quầy bán nếu đến sớm hoặc bấm bụng mua giá chợ đen với giá đắt gắp 3-4 lần. Và dù chẳng được ưu ái họ vẫn đến sân kìn kịt, các khán đài luôn kín chỗ và không khí đúng nghĩa là một “chảo lửa”.

Khi ấy, họ đến sân để xem những tài năng thực thụ của bóng đá Sài Gòn, những ngôi sao của đội tuyển Việt Nam thi thố trên sân, với lối chơi đầy hoa mỹ của Cảng Sài Gòn, thực dụng nhưng đầy khoa học của CA TP.HCM.

Thậm chí các trận đấu giữa Cảng Sài Gòn - CA TP.HCM hoặc Cảng Sài Gòn - Hải Quan chẳng khác gì những trận derby của bóng đá châu Âu như Real Madrid - Barca hoặc Inter gặp Milan. Chẳng cần cầu thủ ngoại nhưng họ vẫn thấy thích, chẳng cần bia họ vẫn đến sân ào ào.

“Cái hồn” nó quan trọng ở chỗ ấy.

Trong trận chung kết chiều qua, Sài Gòn Xuân Thành may mắn còn đúng 1 cầu thủ từng được bóng đá Sài Gòn đào tạo là Minh Chuyên (lò Cảng Sài Gòn), nhưng như thế là quá ít khi khoác trên mình chiếc áo đại diện quá to.

Đặc biệt, lối chơi đặc trưng của bóng đá Sài Gòn vẫn chưa ló dạng, dù đầu mùa giải “bầu” Thụy tuyên bố sẽ đưa Sài Gòn Xuân Thành trở lại lối chơi đẹp mắt “đặc sản” mà người hâm mộ bóng đá Sài thành hằng mong chờ. Chỉ là những đường chuyền dài vượt tuyến cho các “ông Tây” cao to như Nsi, Antonio, Kesley… ở phía trên bứt phá, những pha đọ thể lực giữa những cái đầu lạnh…

Hay bóng đá hiện đại nó phải như thế?

Chắc thế thật, nên người Sài Gòn sẽ phải tiếp tục chờ thôi! Không chỉ chờ chức vô địch mà còn chờ cả hình dáng xưa.

Nghe đơn giản sao mà khó thế!

Quốc Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.