2009 và sự biến động của vàng

31/12/2009 10:37 GMT+7

(TNTT>) Cách đây trên mười năm, vàng có vai trò khác với bây giờ. Ở trong nước, vàng thường được dùng làm nữ trang, hoặc được dùng để bỏ ống theo kiểu “tích cốc phòng cơ”.

Trên thế giới, vàng thường được dùng làm nơi “trú ẩn an toàn” cho đồng vốn mỗi khi có biến động. Điều đó có nghĩa là tính “đầu tư” của vàng trước đây ít.


Thị trường vàng đã trải qua một năm đầy biến động - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới xảy ra, cùng với sự gia tăng tính “đầu tư” thì tính “đầu cơ” đã xuất hiện và ngày một gia tăng. Chính vì thế, nếu thời kỳ 1993-2001 giá vàng trong nước chỉ tăng 0,33%/năm, thì thời kỳ 2002-2009 giá vàng đã tăng tới trên 22,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân/năm thời kỳ 2002-2009 của giá tiêu dùng (9,0%/năm), và của giá USD (gần 1,8%/năm). Ở trong nước, giá vàng đã phi mã đường dài; có chuyên gia đã cho rằng, vàng bỏ ống cũng có lãi, huống chi là đầu tư, đầu cơ lướt sóng.

2009 là năm giá vàng biến động dữ dội, để lại nhiều dấu ấn.

Giá vàng tháng 1 tăng 3,64%, tháng 2 tăng 5,74%, tháng 3 tăng 5,44%, tháng 4 tăng 1,4%, tháng 5 tăng 0,61%, tháng 6 tăng 5,57%, tháng 7 giảm 0,43%, tháng 8 tăng 1,75%, tháng 9 tăng 2,04%, tháng 10 tăng 5,01%, tháng 11 tăng 10,08%, tháng 12 tăng 10,49%, bình quân 1 tháng tăng 4,23%, trong đó có 5 tháng tăng trên 5%, đặc biệt là tháng 11 và 12 tăng trên 10%. Trong khi trong thời gian tương ứng, giá tiêu dùng tăng 6,52% (+0,53%/tháng) và giá USD tăng 10,7% (+0,85%/tháng).

Có 6 vấn đề khác thường đứng đằng sau giá vàng trong năm nay.

Thứ nhất, giá vàng tăng do giá USD giảm mạnh (vì vàng được tính bằng USD). Chỉ số USD hiện đã có lúc ở mức dưới 75 điểm phần trăm, tức là USD đã giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác trong rổ ngoại tệ.

Thứ hai, nguy cơ lạm phát đã được nhiều nước, nhiều nhà đầu tư nhận ra rõ ràng hơn, họ đã “vượt trước ngăn chặn” bằng việc chuyển vốn đầu tư sang vàng để bảo đảm sự an toàn về giá trị cho dự trữ ngoại hối, cho đồng vốn. Lạm phát chưa đến ngay, nhưng nguy cơ lạm phát là có thật, do lãi suất của nhiều nước trên thế giới giữ thấp đến mức không còn chỗ để giảm hơn nữa, do một lượng vốn khổng lồ đưa ra kích thích kinh tế, do bội chi ngân sách cao. Lạm phát sẽ đến khi kinh tế hồi phục do nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. 

Thứ ba, do yếu tố đầu cơ. Nếu những nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào mua vàng sẽ dễ bị mua ở đỉnh, để rồi bán ra ở đáy, có thể còn bị lỗ kép nếu vay vốn để mua vàng.

Thứ tư, do Ngân hàng Trung ương các nước đẩy mạnh mua để thay bớt USD trong quỹ dự trữ ngoại hối, trong đó có Ấn Độ mua một lúc 200 tấn vàng trong tổng số 403 tấn mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến bán ra, và Ngân hàng Trung ương một số nước khác dự kiến mua hết số còn lại. 

Ngày 11.11.2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức cho nhập khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng trong nước giảm mạnh. Tuy nhiên khối lượng nhập khẩu còn ít, lại vào đúng lúc giá vàng thế giới tăng cao, nhập siêu lớn, nên tác động chưa nhiều, giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới.

Thứ năm, giá vàng tăng trên thị trường thế giới đã cộng hưởng với giá USD ở Việt Nam tăng, nhất là giá USD trên thị trường tự do, làm giá vàng ở trong nước tăng kép (vừa tăng do giá vàng tính bằng USD tăng, vừa tăng do giá USD ở trong nước tăng).

Thứ sáu, giá vàng trong nước tăng nhanh và ở mức cao hơn giá trên thế giới có một phần do chứng khoán giảm, một lượng tiền từ thị trường chứng khoán chuyển qua “đánh” vàng, mặc cho chứng khoán thế giới tăng.

Đào Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.