Đề xuất thí điểm cho xe đạp chạy trên vỉa hè

26/04/2014 02:05 GMT+7

Đề xuất trên được đặt ra tại tọa đàm "Đi xe đạp ở TP.HCM", do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty truyền thông S.A tổ chức hôm qua 25.4.

Đề xuất trên được đặt ra tại tọa đàm "Đi xe đạp ở TP.HCM", do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty truyền thông S.A tổ chức hôm qua 25.4.

Nội dung tọa đàm xoay quanh các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm TP.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng phát triển xe đạp tại TP.HCM là một việc nên làm, bởi vì sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn và tiết kiệm được nhiên liệu. Người dân có thể dùng xe đạp để lưu thông trong phạm vi bán kính khoảng 2 - 3 km, trong khu dân cư và cũng có thể kết hợp giữa xe đạp - xe buýt và với metro sau này. Còn theo ông Trịnh Văn Chính, Trưởng khoa Quy hoạch giao thông, Đại học GTVT TP.HCM, TP chưa nên áp dụng đại trà, mà nên thí điểm trước, có thể tiến tới hình thành những khu vực chỉ cho xe đạp được lưu thông. Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch TP.HCM, nói: “Mô hình phát triển giao thông ở TP.HCM nên là giao thông công cộng + xe đạp, chứ không nên là giao thông công cộng + xe gắn máy và ô tô cá nhân. Nếu không có sự định hướng ngay từ đầu, thì những người đi xe máy khi có điều kiện sẽ chuyển đổi đi ô tô và khi đó giao thông TP càng bế tắc”.

Theo ông Lê Trung Tính, sau khi chọn khu vực thí điểm thì cần phải có làn đường dành riêng cho xe đạp thay vì đi chung với xe gắn máy như hiện nay. Cần có các điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng (xe có cùng chủng loại, cùng màu sơn…) không chỉ cho người dân mà cả du khách sử dụng. Thời gian đầu, dịch vụ này nên cho sử dụng miễn phí, sau đó mới tính giá thuê xe hợp lý nhằm khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp.

Còn theo ông Võ Kim Cương, nên lập lại cấu trúc giao thông đô thị, chọn những khu vực phù hợp để bố trí các làn đường dành riêng cho xe đạp, có thể trên vỉa hè như một số nước. Đến một khoảng thời gian nào đó, khi cấu trúc đô thị được điều chỉnh phù hợp cho xe đạp (khoảng vài chục năm sau) thì áp dụng cấm xe máy lưu thông trong TP. Ông Cương cũng cho rằng nhà nước phải có những chính sách về tài chính, đất đai để xã hội hóa đầu tư xe đạp công cộng và các bãi gửi xe đạp, chứ không nên ôm đồm việc này.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề nghị cần có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này ở những khu vực dự kiến thí điểm, trước khi triển khai áp dụng. 

Mai Vọng

>> Thí điểm xe đạp công cộng
>> Công chức Hội An đi làm bằng xe đạp
>> Đi xe đạp ở trung tâm thành phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.