Thái Lan trong cuộc bầu cử khó lường

03/07/2011 01:08 GMT+7

Hôm nay, người dân Thái Lan chính thức đi bầu quốc hội và chính phủ mới với hy vọng chấm dứt một thời kỳ chia rẽ và nhiều biến động.

Khoảng 47 triệu cử tri trong số hơn 64 triệu dân Thái Lan sẽ chọn ra các nghị sĩ cho Hạ viện (500 ghế) từ hơn 3.800 ứng viên thuộc 40 chính đảng. Mỗi cử tri sẽ chọn 2 người trong số các ứng viên. Trong 500 ghế, có 375 ghế được bầu trực tiếp, số còn lại sẽ được phân chia theo tỷ lệ những đảng thắng cử. Hơn 100.000 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh cho cử tri và ứng viên, trong khi chính quyền thủ đô Bangkok lắp 1.000 camera tập trung ở những điểm bầu cử. Thái Lan cũng cấm bán rượu, bia và thức uống có cồn trong thời gian diễn ra bầu cử nhằm đảm bảo cử tri được "tỉnh táo" trước quyết định quan trọng này. Tuần trước, Thái Lan cũng đã tổ chức bầu cử sớm cho những người ở vùng sâu vùng xa. Số phiếu bầu này được niêm phong và theo dõi 24/24 giờ cho đến khi được nhập vào số phiếu bầu hôm nay.

 

Ứng viên Yingluck, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - Ảnh: AFP 

Trước cuộc bầu cử liên tục rộ lên tin đồn đảo chính từ quân đội Thái Lan. Sở dĩ có tin đồn này là vì quân đội Thái Lan đã ít nhất 18 lần tổ chức hoặc có kế hoạch đảo chính trong gần 80 năm qua. Tuy nhiên, quân đội khẳng định họ không ý định đảo chính cũng như can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử.

Để bảo đảm tính công bằng và tránh gian lận, Thái Lan mời cả giám sát viên quốc tế theo dõi quá trình chuẩn bị và bỏ phiếu từ một tháng trước. Ít có cuộc bầu cử nào trong khu vực lại được giới quan sát quốc tế quan tâm nhiều như ở Thái Lan. Bởi sự thay đổi chính phủ được xem là sẽ thay đổi phần lớn chính sách đối ngoại của Bangkok. Có nước lập hẳn một đội chuyên theo dõi bầu cử, thậm chí tham gia các chuyến vận động tranh cử của các đảng phái.

Cuộc chiến Abhisit - Yingluck

Giới quan sát đánh giá lần tổng tuyển cử này là cuộc tranh giành chủ yếu giữa đảng Dân chủ cầm quyền và đảng đối lập chính Puea Thai. Nếu miền bắc là "thành trì" của Puea Thai thì miền nam là đất của Dân chủ. Cả hai đảng đều tự tin về khả năng giành đa số phiếu ở những vùng này, trong khi đó với miền trung hay thủ đô Bangkok thì tình hình khó đoán hơn.

Đại diện cho đảng Dân chủ tranh vị trí người đứng đầu chính phủ là đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, còn "gương mặt" của Puea Thai là bà Yingluck Shinawatra. Việc bà Yingluck ra tranh cử là điểm bất ngờ thú vị nhất của cuộc đua lần này. Bà Yingluck, 44 tuổi, là nữ ứng viên thủ tướng đầu tiên từ trước đến nay tại Thái Lan. Đáng chú ý hơn, bà chính là em út của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin chính là người góp tay sáng lập đảng Puea Thai và dù đang lưu vong, ông vẫn thuyết phục được đảng này chọn em mình làm người đại diện. Sự xuất hiện của nữ doanh nhân này làm nhiều người Thái bất ngờ, kể cả trong nội bộ Puea Thai vì bà Yingluck không có thành tích hay kinh nghiệm gì về chính trị.

Trong chiến dịch tranh cử rầm rộ thời gian qua, Puea Thai nhắm vào giới lao động, những người có thu nhập thấp. Trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng hôm 30.6, bà Yingluck cam kết cải thiện đời sống của người dân và nền kinh tế với thông điệp "Tầm nhìn 2020". Bà hứa sẽ kiềm chế lạm phát và giảm chi phí sinh hoạt. Bà cũng cho biết nếu được thành lập chính phủ mới, Puea Thai sẽ có chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ, đối tượng được cho là sẽ ủng hộ việc Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên.

Trong khi đó, đảng Dân chủ chọn thông điệp "Tương lai nước Thái dưới cùng bầu trời" để gửi đến các cử tri. Thủ tướng Abhisit nói rằng chính phủ của ông đã cố gắng hết sức để duy trì nước Thái phát triển như trong 2 năm qua. Ông kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ đảng Dân chủ để Thái Lan tiếp tục phát triển dưới một bầu trời mà tất cả người dân Thái cùng đoàn kết và chia sẻ với nhau. Ông cũng kêu gọi cử tri "giải độc Thaksin" và chọn đảng Dân chủ để có một đất nước ổn định. 

 

Người ủng hộ đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva - Ảnh: Minh Quang 

Phân vân

Nhiều người Thái tỏ ra không còn tin tưởng vào các đảng phái. Một tài xế taxi ở Bangkok nói với Thanh Niên ông không tin vào những chính sách của đảng Dân chủ, vốn theo ông, chẳng cải thiện được mấy đời sống của người dân. "Ngày xưa khi ông Thaksin nắm quyền, việc làm nhiều lắm, cuộc sống cũng dễ thở hơn vì có nhiều khách du lịch đến. Còn bây giờ, tài xế chúng tôi phải giành giật từng cơ hội mới đủ sống", ông tâm sự.

Tuy nhiên những người không ủng hộ Puea Thai thì nói nếu chọn bà Yingluck thì "bóng ma" tham nhũng dưới thời ông Thaksin có thể lại ám ảnh đất nước. Cựu thủ tướng đã bị kết án vắng mặt 2 năm tù giam vì tội lợi dụng chức vụ để trục lợi và tham nhũng.

Có khoảng một phần ba người dân Thái Lan lưỡng lự khi lựa chọn Puea Thai hay Dân chủ vì cho rằng chưa có đảng nào chắc sẽ giải quyết được những lo ngại của họ. Nhiều cử tri nói họ muốn có một đảng trung hòa được cả Puea Thai và Dân chủ, kết hợp được sức mạnh của cả hai và hạn chế những nhược điểm.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến ông Chuwit Kamolvisit của đảng Rak Thailand (Yêu nước Thái), vốn cũng là một ứng viên "lạ" trong cuộc đua tranh giành ghế thủ tướng. Thông điệp của ông "trùm" dịch vụ massage ở Thái Lan này là chống tham nhũng với những khẩu hiệu đầy quyết tâm. Tuy nhiên, đảng của ông Chuwit chưa đủ mạnh để thuyết phục cử tri. Hơn nữa, ứng viên này không được những người bảo thủ ủng hộ vì ngành kinh doanh "nhạy cảm" của ông cũng như việc ông mang hai dòng máu Trung Quốc và Thái Lan.

Đa số người dân Thái Lan mong muốn cuộc tổng tuyển cử sẽ chấm dứt giai đoạn biến động từ thời ông Thaksin. Họ đã quá ngán ngẩm trước những cuộc đại biểu tình, đôi khi biến thành bạo động gây thiệt hại lớn về kinh tế và nhân mạng của phe áo đỏ trung thành với ông Thaksin, phe áo vàng phản đối ông và nhiều phe phái khác. Đảng mới nào sẽ kế thừa việc điều hành đất nước hay đảng đương nhiệm sẽ tái đắc cử? Cử tri Thái chọn con đường nào cho đất nước mình? Câu trả lời sẽ được quyết định trong cuộc bầu cử hôm nay.

Bà Yingluck trước cơ hội lịch sử

Người có cơ hội trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan còn khá trẻ và xinh đẹp. Sinh năm 1967, bà Yingluck tốt nghiệp cử nhân khoa Quản trị công và Khoa học chính trị Đại học Chiang Mai năm 1988. Bà học tiếp ngành Khoa học chính trị và lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Kentucky (Mỹ) vào năm 1990. Sau khi về nước, bà tham gia điều hành các công ty của gia đình Shinawatra trong các lĩnh vực viễn thông, bất động sản... Bà có một con với một doanh nhân Thái nhưng hai người không đăng ký kết hôn.

Việc bà Yingluck được chọn tranh cử làm nảy sinh nhiều nghi ngại vì kinh nghiệm chính trị của bà quá mờ nhạt. Một số ý kiến cho rằng việc thuyết phục đảng Puea Thai chọn em gái mình là nước cờ để ông Thaksin quay lại nền chính trị Thái Lan. Đương kim Thủ tướng Abhisit mới đây còn cảnh báo người dân phải coi chừng "sự trở lại của Thaksin".

Tuy nhiên, cựu thủ tướng khẳng định mình không có mưu tính sâu xa nào và việc ông đề cử Yingluck chỉ vì tin rằng bà đủ khả năng. Ông Thaksin cũng không quên nói thêm rằng ông sẵn sàng dùng kinh nghiệm của mình để tư vấn cho em gái. Liệu bà Yingluck có được ghi vào lịch sử chính trường Thái Lan? Điều đó còn phải chờ...

Minh Quang
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.