Những vết nứt lớn cùng tiếng nổ ở Đắk Nông: Chuyên gia dự đoán 2 kịch bản

03/08/2023 15:15 GMT+7

Theo ý kiến của chuyên gia, các vết nứt kéo dài ở H.Tuy Đức (Đắk Nông) và TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) xuất hiện là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở.

Ngày 3.8, UBND H.Tuy Đức cho biết lực lượng chức năng đã di dời hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Quảng Trực (H.Tuy Đức) đến nơi an toàn do ảnh hưởng của nhiều vết nứt gãy trên mặt đất.

Những vết nứt lớn cùng tiếng nổ ở Đắk Nông: Chuyên gia dự đoán 2 kịch bản - Ảnh 1.

Vị trí đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP.Gia Nghĩa bị nứt gãy

X.L

Trước đó, khuya 31.7, tại bon Bu Krắc (xã Quảng Trực), lực lượng chức năng ghi nhận có 2 tiếng nổ lớn, đi kèm với sự rung chấn từ mặt đất. Đến sáng 1.8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Các vết nứt có chiều dài hàng trăm mét, rộng 10 - 15 cm. Đến ngày 2.8, vết nứt kéo dài đến bon Bu Prăng (nằm cạnh bon Bu Krắk).

Trong khi đó, trên tuyến QL14, đoạn qua TP.Gia Nghĩa cũng ghi nhận vết nứt dài kéo khoảng 20 m. Ngay trong sáng 2.8, lực lượng chức năng đã di dời 16 hộ dân trên địa bàn P.Nghĩa Thành (TP.Gia Nghĩa) đến nơi an toàn. 

Bên cạnh việc di dời các hộ dân đến nơi an toàn, chiều 2.8, lực lượng công nhân cũng nỗ lực vá lại vết nứt. Thời điểm này trời đã tạnh mưa và có nắng. Tuy nhiên, nhiều vị trí vừa được vá tạm đã nứt trở lại.

Trao đổi với Thanh Niên về tình trạng trên, PGS - TS Trần Tân Văn (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vết nứt là mưa lớn kéo nhiều ngày. Mưa kéo dài khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Khi vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động mà người dân nghe thấy gọi là tiếng nổ.

PGS - TS Trần Tân Văn dự đoán 2 kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản đầu tiên, vết nứt sẽ giữ nguyên. Trường hợp này, nguy cơ xảy ra sạt lở sẽ không cao bởi mặt đất đã bị phá hủy một phần và trở lại ổn định. Kịch bản thứ 2, nếu tại khu vực xuất hiện các vết nứt có mưa lớn thì các vết nứt sẽ rộng và dài ra, dẫn đến nguy cơ sạt lở cao hơn.

"Trong 2 kịch bản trên, dù theo kịch bản nào thì các chuyên gia cũng phải đến hiện trường tiến hành quan trắc. Theo tôi, khả năng thứ 2 xảy ra cao hơn nên trước mắt cần di dời người dân đến nơi an toàn", PGS - TS Trần Tân Văn nhận định.

Ông Văn lưu ý trong trường hợp vết nứt tiếp tục dài, rộng ra, có nước bùn chảy ra phía dưới sườn dốc hoặc xuất hiện thêm các vết nứt mới thì giải pháp tốt nhất thì nên tránh xa khu vực này.

"Nếu kết quả quan trắc cho thấy vết nứt vẫn giữ nguyên, chứng tỏ đất đã ổn định thì lực lượng chức năng có thể yên tâm khắc phục. Tuy nhiên, nếu diễn biến xấu đi, cần tính toán đến phương án bỏ hẳn con đường bị nứt đi để tránh gây thiệt hại. Hơn nữa, chi phí cho việc khắc phục do các vết nứt gây ra cũng rất tốn kém", PGS - TS Trần Tân Văn nói và cho rằng, nếu cơ quan chức năng đưa ra quyết định cuối cùng là khắc phục thì cần phải làm bài bản theo giải pháp công trình, không chỉ đơn giản là lấp đi các vết nứt rồi đi qua.

Cận cảnh sụt lún nghiêm trọng đường tránh phía nam Bảo Lộc vì mưa lớn



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.