Bác sĩ gia đình ở Việt Nam, tại sao không?

25/08/2005 15:17 GMT+7

Hơn 25 năm làm bác sĩ gia đình, là bác sĩ nước ngoài duy nhất làm công tác giám định tại tòa án Bỉ, bác sĩ Bùi Kim Hải, đang nỗ lực đem những kinh nghiệm của mình về Việt Nam.

Sang Bỉ du học tự túc từ năm 1971, Bùi Kim Hải theo học tại Đại học tổng hợp Liege. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, và học thêm 2 năm nữa về bác sĩ đa khoa gia đình. Bác sĩ Hải có phòng khám tư và rất đông khách. Sự đông khách này chứng tỏ uy tín của một bác sĩ người Việt tài năng và tận tâm.

Khách hàng của bà  50% là người Việt, 50% là người nước ngoài. Con gái của bà cũng theo nghề mẹ, nên bác sĩ Hải có thể yên tâm đi về Việt Nam với những dự án triển vọng. Bà ao ước: “Giá mà một ngày có 48 tiếng để mình có thể làm  thêm được nhiều việc…”.

“Nhà ngoại giao” y tế

Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ Hải còn là một “nhà ngoại giao” trong lĩnh vực y tế. Bằng uy tín của mình, bác sĩ đã tìm kiếm được những dự án hợp tác và hỗ trợ y tế của Bỉ dành cho Việt Nam. Mỗi lần về Việt  Nam, bà lại “kéo theo” không chỉ “nguồn tài trợ” mà cả những giáo sư, bác sĩ Bỉ sang.

Về nước lần này với bác sĩ Hải là hai nhân viên tập đoàn Roularta media của Bỉ. Họ sang VN để xúc tiến dự án xuất bản một tờ báo y tế phát miễn phí cho các bác sĩ Việt Nam với mong muốn cập nhật thông tin y học.

Roularta là một  tập đoàn báo chí lớn nhất của Bỉ với hơn 100 tờ báo. Trong đó, có 1 số chuyên cập nhật thông tin mới nhất và những bài viết của những người nổi tiếng phát không cho các bác sĩ.

Trước mắt, họ dự định sẽ dịch tờ báo đó ra tiếng Việt và xuất bản với số lượng 10.000 tờ, sau đó sẽ tăng dần lên. Nguồn tài chính cho việc xuất bản đều được lấy từ tiền quảng cáo cho các công ty dược. Hiện nay họ đang xúc tiến việc xin cấp phép xuất bản.

Dự án Bác sĩ gia đình ở VN

Ở Bỉ, bác sĩ gia đình là nền tảng của y khoa, họ được nhà nước công nhận. Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình là theo dõi bệnh nhân từ lúc sinh ra đến lúc chết, quản lý hồ sơ, tiền sử bệnh án của bệnh nhân. Không chỉ thấu hiểu hoàn cảnh sống, bệnh án của bệnh nhân, bác sĩ gia đình như bạn của người bệnh. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa có ở VN. Trong khi đó, mô hình này sẽ là lời giải cho việc quá tải ở các bệnh viện.

Tại hội thảo về thu hút chất xám kiều bào được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bác sĩ Hải cũng đưa ra kiến nghị về việc thu hút thẻ bảo hiểm sức khỏe từ nước ngoài về VN, thành lập Viện trường để thu hút nguồn chất xám làm việc chữa bệnh cho bệnh nhân...

Một số công việc mà bác sĩ Hải đã và đang tiến hành

1/ Từ năm 1998 đến năm 2002, tổ chức chức Tết cổ truyền VN tại Bỉ, nhằm giới thiệu văn hoá cổ truyền VN cho các bạn Bỉ.

2/ Giúp các doanh nghiệp VN đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của VN phổ biến tại Bỉ.

3/ Đang vận động các quan chức Bỉ hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN mở kho rau, hoa, quả tươi VN tại sân bay Liege, Bỉ.

4/ Sau khi Chính quyền tỉnh Liegè ký kết hợp tác về đào tạo y tá, điều dưỡng, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ y khoa cho TP.HCM, bác sĩ hải cũng tranh thủ vận động Chính quyền tỉnh Liegè kết nghĩa với TP, tạo tiền đề cho nhiều sự hợp tác và giúp đỡ khác cho VN.

5/ Đang xúc tiến để xuất bản tờ báo y khoa bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt chuyên về y khoa, nhằm cung cấp cho các bác sĩ VN những thành tựu y tế mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực y và dược, giúp nâng cao trình độ chẩn đoán và chữa bệnh.

6/Tháng 11 này, BS Hải sẽ về VN tổ chức hội nghị bác sĩ gia đình. Đây là dự án kết hợp với đại học Liege và trung tâm đào tạo cán bộ y tế TP.HCM. Hai đại học này kết hợp với nhau để giới thiệu rõ hơn về phận sự và trách nhiệm của người bác sĩ gia đình.

Theo Lan Anh
(Báo Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.