Lính mới là 'mối ngon' để lính cũ đùn đẩy công việc?

Thái Thanh
Thái Thanh
05/05/2024 04:32 GMT+7

Đối phó thế nào với những đồng nghiệp lười biếng, thường xuyên đùn đẩy công việc cho người khác là một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn trên các diễn đàn, hội nhóm của người đi làm.

Đùn đẩy công việc không chỉ gây nên mâu thuẫn giữa các đồng nghiệp mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc chung của cả tập thể.

Ai là “nạn nhân” của việc này?

Thông thường, những người bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc là sinh viên mới ra trường hoặc những người mới vào làm tại công ty. Chị Dương Mỹ Quyên (23 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ, thời gian đầu khi mới đi làm, ngoài công việc chính do sếp giao, chị còn phải thường xuyên làm các đầu việc vụn vặt khác mà các anh chị đồng nghiệp “gửi gắm”.

“Chuẩn bị biên bản họp, in ấn giấy tờ, sửa báo cáo hay tiếp nhận phản hồi của khách hàng lúc nửa đêm… là những công việc ngoài lề mà tôi phải gồng gánh suốt 3 tháng đầu đi làm. Có những việc được giao deadline rất gấp khiến tôi phải làm liên tục không nghỉ. Nhiều khi tôi thấy vô lý hết sức vì mình phải làm việc như thể có ba đầu sáu tay, còn người đùn đẩy công việc thì nhàn rỗi nghỉ ngơi, nói chuyện tán gẫu trong giờ làm”, chị Quyên kể.

Theo lời chị Quyên, trong công ty chị đa phần những người bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc nhiều là những nhân viên mới và sinh viên thực tập. Đây là những “mối ngon” để các đồng nghiệp có phần xấu tính nhắm tới, giao thêm việc với lý do “tạo cơ hội học hỏi, trải nghiệm, làm quen với công ty”.

Chị Quyên tâm sự: “Tôi nghĩ bất kỳ ai khi đi làm cũng cần nhận được sự tôn trọng, rõ ràng về mặt phân chia công việc. Nhưng với những người mới ra trường như tôi, chưa có tiếng nói, kinh nghiệm đối nhân xử thế cũng còn non và sợ mất lòng nên càng dễ bị lợi dụng. Càng nhường nhịn thì những người có thói quen đùn đẩy việc lại càng được nước làm tới”.

Đừng tỏ ra quá nhiệt tình

Là một người từng trải, anh Ngô Quốc Dũng (32 tuổi, ở TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Hồi mới đi làm, khi đồng nghiệp đưa thêm việc, tôi thường vì muốn được lòng họ mà tỏ ra hớn hở, hăng hái nhận việc, chuyện gì cũng bảo “để em làm, để em giúp”. Nhưng lâu dần tôi nhận ra, điều đó sẽ vô hình trung khiến họ mặc định đây là nhiệm vụ của tôi, từ nay về sau cứ vậy mà làm. Cũng là chúng ta gián tiếp tạo cho họ thói quen xấu, thiếu trách nhiệm với công việc của chính mình”, anh Dũng nói.

Bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc khiến nhiều người mệt mỏi, áp lực

Bị đồng nghiệp đùn đẩy công việc khiến nhiều người mệt mỏi, áp lực

NGUỒN ẢNH: ISTOCK

Anh Dũng có cao kiến, khi bị đùn đẩy công việc, hãy “deal” với đồng nghiệp của mình. Chẳng hạn như nói với đồng nghiệp mình còn rất nhiều việc cá nhân phải hoàn thành nên chỉ có thể giúp một ít hoặc gia hạn đến khoảng thời gian bạn thật sự ổn để làm. Thay vì từ chối 100%, chúng ta có thể giúp họ trong một ngưỡng nhất định nào đó.

“Thậm chí, hồi đó tôi còn giả vờ không biết làm hoặc làm không tốt để né tránh những lần đùn đẩy sau này”, anh Dũng cho hay.

Rạch ròi giữa giúp đỡ nhau và lợi dụng nhau

“Đương nhiên trong công việc, chuyện đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc cần là nên có. Tình nguyện giúp nhau khác với chuyện đùn đẩy, lợi dụng lòng tốt của nhau. Tôi rất cởi mở với chuyện làm thêm việc để giúp đỡ đồng nghiệp của mình khi họ đau ốm hay quá tải… Nhưng lòng tốt và sự giúp sức cần được đặt đúng chỗ, chúng ta nên phân biệt rõ ràng và có ranh giới nhất định cho mình. Ví dụ như giúp bao nhiêu phần trăm, lúc nào sẽ giúp hay đơn giản là gợi ý hướng đi, gỡ rối cho đồng nghiệp mình”, chia sẻ của chị Huyền Vi (29 tuổi).

Chị Hữu Minh, quản lý nhân sự một công ty tổ chức sự kiện tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), cũng thông tin rằng cấp trên luôn đánh giá và nhìn nhận rõ công sức của từng nhân viên. Chuyện các nhân viên đùn đẩy công việc cho nhau thường sẽ xảy ra tại những môi trường làm việc không có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng hoặc ở những công ty có quy mô nhỏ, số lượng nhân quá ít.

Chị Minh có lời khuyên rằng hãy cứ bày tỏ thẳng thắn với đồng nghiệp của mình trước khi báo lên cấp trên hoặc chọn cách nghỉ việc. 

“Khi đi làm, chúng ta bình đẳng như nhau, mối quan hệ với đồng nghiệp nhiều khi còn quan trọng hơn với sếp. Nên có gì không bằng lòng thì cứ giải quyết với nhau trước, trường hợp không ổn thì có thể nhờ đến cấp trên”, chị Minh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.