Không đánh rắm được, nguy cơ bị bệnh gì?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/05/2024 00:07 GMT+7

Đánh rắm, hay còn gọi là trung tiện, là hoạt động rất bình thường của cơ thể. Một điều không phải ai cũng biết là một người bình thường có thể đánh rắm từ 13 đến 21 lần/ngày. Do đó, không thể đánh rắm đôi khi là dấu hiệu cảnh báo đang có gì đó bất ổn với sức khỏe.

Đánh rắm sẽ giúp tống khí dư thừa sản sinh trong đường tiêu hóa ra ngoài. Lượng khí này nếu tích tụ nhiều trong đường tiêu hóa sẽ gây đầy hơi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Không đánh rắm được, nguy cơ bị bệnh gì?- Ảnh 1.

Tắc ruột sẽ gây đau bụng, nôn mửa, bụng phình to và không thể đánh rắm

PEXELS

Đầy hơi thường là do sự tích tụ khí sau quá trình tiêu hóa các món như sữa, đường, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Đặc biệt, cà phê, trứng, măng tây và hành tây còn có thể khiến đánh rắm trở nên nặng mùi hơn. Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thể đánh rắm là đến từ tình trạng căng thẳng tinh thần.

Hậu môn có 2 nhóm cơ được gọi là cơ thắt hậu môn trong và cơ thắt hậu môn ngoài. Trong khi cơ thắt hậu môn trong hoạt động tự động thì cơ thắt hậu môn ngoài là nhóm cơ mà chúng ta có thể tự chủ điều khiển. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể siết chặt mông khi cố gắng kìm hãm tiếng đánh rắm.

Khi sắp đánh rắm, cơ thắt hậu môn trong kết hợp với cơ thắt hậu môn ngoài để thả lỏng từ từ và cho phép khí đi qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta cảm thấy căng thẳng, các cơ trong cơ thể có xu hướng co lại, trong đó có cả cơ thắt hậu môn ngoài. Hệ quả là khí dư thừa trong đường tiêu hóa không thoát được qua hậu môn, khiến không thể đánh rắm như bình thường. Để xử lý tình trạng này, chúng ta chỉ cần thư giãn, đứng dậy, đi lại hay mát xa nhẹ vùng bụng.

Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, việc không thể đánh rắm là dấu hiệu của tắc ruột và cần phải được điều trị y tế. Tắc ruột là tình trạng mà thức ăn và phân bị mắc kẹt không thể di chuyển dọc theo đường tiêu hóa như bình thường.

Tắc ruột có thể là hệ quả của bệnh viêm ruột, viêm túi thừa, khối u, thoát vị vùng bụng hay nuốt phải vật lạ. Ngoài không thể đánh rắm, người bệnh còn bị nôn mửa, bụng phình to và đau đớn, nghe âm thanh lạ phát ra từ trong bụng và khó đại tiện.

Nhóm có nguy cơ cao bị tắc ruột là những người vừa phẫu thuật vùng bụng hay có vấn đề tiềm ẩn liên quan đến đường tiêu hóa. Nếu không điều trị, tắc ruột sẽ gây táo bón, nhiễm trùng, sốt, thậm chí tử vong. Do đó, nếu bị đầy hơi nhưng không thể đánh rắm hoặc kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì hãy đi bác sĩ khám càng sớm càng tốt, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.