Dở khóc, dở cười chuyện ở trọ ghép với người lạ

Phúc Kha
Phúc Kha
17/05/2024 16:23 GMT+7

Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều bạn trẻ tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên đã lên các hội nhóm mạng xã hội để tìm người ở trọ ghép. Tuy vậy, khi những người xa lạ sinh sống cùng nhau cũng xảy ra không ít chuyện bi hài, ngang trái.

Trên những trang chuyên đăng bài cho thuê hay các hội nhóm, nhiều người đăng tin tìm ở ghép tại các chung cư, phòng trọ, với giá từ 1.5 - 2.5 triệu đồng/người/tháng. Hình thức này giúp người trẻ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, song cũng xảy ra nhiều oái oăm.

Lê Thanh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết với 2 - 2,5 triệu đồng thì tìm một phòng trọ diện tích tốt, có máy lạnh, không gian sạch sẽ tại các quận gần trung tâm thành phố là rất khó.

Nhưng cũng chi phí trên khi ở ghép với người khác trong căn hộ thì không gian sinh sống thoải mái, mát mẻ và có máy lạnh giải nhiệt vào ngày nắng nóng. Do vậy, từ khi vào đại học, Tuấn luôn tìm người ở ghép.

“Ở ghép thì cũng nhiều rủi ro, bất cập nhưng quan trọng phải chọn được người nhà phù hợp, tử tế. Tụi mình đi học cả ngày, hiếm khi có thời gian trò chuyện với nhau nên ít sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu từ người bạn ở chung trọ”, Tuấn nói.

Nhiều bạn trẻ muốn san sẻ gánh nặng tiền nhà nên đã tìm người ở ghép

Nhiều bạn trẻ muốn san sẻ gánh nặng tiền nhà nên đã tìm người ở ghép

CHỤP MÀN HÌNH

Không khó để tìm người ở ghép trên các hội nhóm

Không khó để tìm người ở ghép trên các hội nhóm

CHỤP MÀN HÌNH

Lưu Thị Mai Trinh (27 tuổi), đang trọ tại 79 đường số 2, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết giai đoạn kinh tế khó khăn, eo hẹp, Trinh phải tìm người ở ghép. Lúc trước, lương khoảng 16 triệu đồng/tháng, cô nàng thuê phòng trọ, với giá 4 triệu đồng/tháng để có cuộc sống thoải mái, không gian thoáng mát, nhưng hiện giờ thu nhập giảm chỉ còn khoảng 12 triệu đồng/tháng, Trinh không kham nổi chi phí nên đã đăng bài tìm người ở ghép.

“Bước đầu chung sống tụi mình rất hợp gu. Nhưng ở được một thời gian, bạn cùng phòng bắt đầu livestream bán hàng, đêm nào cũng tới 1 - 2 giờ. Mỗi lần bạn làm việc là người còn lại không được nói chuyện khiến mình thấy có phần bất tiện, khó chịu. Rồi bạn ấy cứ ì ra mỗi khi đến đợt nộp tiền trọ. Mình phải nhờ bà chủ nhà xử lý”, Trinh nói.

Sau 6 tháng ở chung, Trinh quyết định kết thúc hợp đồng thuê trọ với bạn và đăng bài tìm người mới.

Dở khóc, dở cười chuyện ở trọ ghép với người lạ- Ảnh 3.

Khi tìm người ở ghép, bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ càng

PHÚC KHA

Nguyễn Đăng Khoa, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình thường tìm bạn cùng lớp rồi rủ nhau thuê phòng để giảm chi phí. Nếu như một phòng diện tích 20 m,có điều hòa, máy giặt, phải tầm 4 - 5 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí cho điện, nước, internet… Mà sinh viên thì làm gì có nhiều tiền nên rủ thêm 2 - 3 người bạn nữa vào ở cùng, vừa giảm được chi phí mà lại vui”.

Khi đến kỳ thực tập, các bạn lần lượt rời phòng trọ, người thì về quê, đứa thì đi làm khắp nơi, chỉ còn Đăng Khoa ở lại. Được những người bạn khác "mách nước", Khoa vào các hội nhóm trên mạng xã hội để đăng thông tin tìm người ở ghép. Và từ đây, câu chuyện bi hài bắt đầu xảy ra.

“Bạn ấy sống bẩn không thể tả nổi. Bạn không bao giờ biết cầm cây chổi quét nhà, pho2nh vệ sinh cũng không dọn dẹp. Quần áo mặc bẩn chất đầy trong thau, có khi bốc mùi lên rất khó chịu. Lần đầu mình còn nhắc nhở, sau không chịu nổi phải mang vào máy giặt giúp. Và rồi, mình nói bạn dọn ra khỏi phòng trọ vì không chịu được tính nết’, Đăng Khoa ngán ngẩm.

Bạn rời đi, Khoa tính sống 1 mình, song không "cõng" nổi chi phí nên đành đăng bài tìm người ở ghép. Lần này, Khoa nói sẽ kiểm tra kỹ hơn thông tin, tính cách của bạn cùng phòng.

Sinh viên xa nhà nên tìm bạn ở chung phù hợp để chia sẻ, quan tâm nhau trong cuộc sống hằng ngày

Sinh viên xa nhà nên tìm bạn ở chung phù hợp để chia sẻ, quan tâm nhau trong cuộc sống hằng ngày

PHÚC KHA

Kể lại câu chuyện diễn ra vào năm ngoái, Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vẫn còn bức xúc. Tháng 9.2023, Linh tìm và thuê một phòng trọ ở Q.Bình Thạnh tương đối tốt, với giá 3,8 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Để san sẻ chi phí sinh hoạt, Linh phải tìm bạn ở cùng.

“Tụi mình rất thân thiết với nhau, thường xuyên đi ăn uống, trò chuyện về cuộc sống, học tập. Dần dần, mình tin tưởng bạn và xem như người thân. Bạn tâm sự với mình là gia đình gặp khó khăn nên cần tiền gửi về phụ giúp. Bạn nhờ mình cho mượn 2 triệu đồng, rồi sau đó mượn thêm 3 triệu đồng nữa, hứa sau 1 tuần sẽ trả lại. Rồi một ngày, sau giờ làm việc, mình quay về thì thấy đồ đạc trong phòng bị xáo trộn, đồ dùng, quần áo của bạn cũng không còn. Mình liên hệ thì bạn không bắt máy, nhắn tin cũng không được. Khi đó, mình biết đã bị lừa”.

Rồi Thùy Linh kể thêm: “Khi bạn vào ở, mình không có lấy bản photo căn cước công dân để đưa cho chủ trọ làm giấy đăng ký tạm trú. Vì thế, khi rời đi, mình không biết địa chỉ, thông tin cá nhân, chỉ biết bạn là sinh viên của một trường đại học. Sau những câu chuyện ở trọ ghép không mấy vui vẻ như vậy, cứ nghĩ đến chuyện tìm bạn ở ghép là mình lại sợ…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.