Cầu thủ Việt Nam sử dụng ma túy: Lối sống phóng túng sẽ bị ngăn chặn, nếu…

09/05/2024 16:38 GMT+7

Vụ việc 5 cầu thủ Hà Tĩnh bị bắt vì sử dụng ma túy không phải là sự việc lần đầu xuất hiện trong giới bóng đá Việt Nam. Sự việc gióng lên hồi chuông báo động về công tác giáo dục cầu thủ và biện pháp ngăn ngừa từ nhà tổ chức.

Nhiều bài học đau thương 

Trong số 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa bị bắt vì sử dụng ma túy, có Quả bóng vàng Việt Nam năm 2017 Đinh Thanh Trung. Đây là ngôi sao một thời của bóng đá Việt Nam, nay đã qua thời đỉnh cao và dính vào bê bối ngoài sân cỏ. 

Cũng trong số 5 người vừa bị bắt, có cả cầu thủ rất giàu triển vọng Nguyễn Ngọc Thắng. Trung vệ này từng 2 lần vô địch giải U.23 Đông Nam Á các năm 2022 và 2023, giành huy chương đồng (HCĐ) SEA Games 32 năm 2023, đồng thời có tên trong danh sách đội U.23 Việt Nam lọt vào tứ kết giải U.23 châu Á 2024 vừa kết thúc. 


Cầu thủ Việt Nam sử dụng ma túy: Lối sống phóng túng sẽ bị ngăn chặn, nếu…- Ảnh 1.

Sao lại buông thả thế khi sự nghiệp đã từng lẫy lừng như thế này, Quả bóng vàng Việt Nam Đinh Thanh Trung?

Tương lai rộng mở trước mắt Nguyễn Ngọc Thắng, nhưng trung vệ này gần như đóng cửa tương lai ấy của chính mình, bằng hành động sử dụng ma túy.

Điều đáng nói ở chỗ, câu chuyện cầu thủ Việt Nam sử dụng ma túy tổng hợp không phải là câu chuyện mới, nhưng sự việc vẫn âm thầm tồn tại nơi một góc khuất nào đấy của bóng đá nội. 

Năm 2008, một nhóm khách bị tạm giữ tại 1 khách sạn ở Q.7 (TP.HCM) vì sử dụng thuốc lắc. Trong nhóm khách này, có 5 cầu thủ ở Hà Nội. Sự việc chấn động hơn xảy ra năm 2010, một tiền đạo ngoại, khi đó đang khoác áo CLB Bình Dương bị đột tử tại một khách sạn ở Q.1 (TPHCM). Nguyên nhân sau đó được xác định do cầu thủ sử dụng ma túy quá liều, dẫn đến tử vong. 

Vào năm 2009, đội SLNA được đưa đi kiểm tra đột xuất tại bệnh viện. Qua đợt kiểm tra, đội bóng xứ Nghệ phát hiện mẫu thử nước tiểu của 2 ngoại binh Kankam và Gordon, cùng một số cầu thủ trẻ trong lứa U.21 của đội này dương tính với ma túy. Những cầu thủ nói trên lập tức bị thanh lý hợp đồng. 

Kiểm tra chất cấm phải thành hoạt động thường xuyên

Trước đó và sau đó, có thêm vài trường hợp nữa liên quan đến cầu thủ ở giải trong nước sử dụng ma túy. Cá biệt có trường hợp cầu thủ tên T. từng bị khởi tố vì tàng trữ ma túy năm 2007, với tang vật thu được là 10 viên ma túy tổng hợp. 

Ma túy và lối sống buông thả làm thui chột, làm lụi tàn không ít tài năng của bóng đá Việt Nam. Có thể thấy rằng việc giáo dục dành cho các cầu thủ Việt Nam rất quan trọng. 

Cầu thủ được đào tạo trong môi trường tốt, kỷ cương tốt, sẽ có cách hành xử tốt hơn khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp. Cầu thủ được giáo dục tốt sẽ tự có ý thức tránh xa những thói quen không tốt. Một vấn đề khác, đó là khâu kiểm tra, xét nghiệm doping, chất cấm đối với bóng đá Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa. 

Đây là công việc vẫn được tiến hành ở các giải đấu quốc tế, sau mỗi lượt đấu. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, việc này chưa được tiến hành kỹ, chưa mang tính thường xuyên. 

Việc kiểm tra doping, kiểm tra chất cấm đột xuất sẽ là biện pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy đang có xu hướng quay trở lại với giới bóng đá Việt Nam. Bởi, nếu trước các giải đấu và sau mỗi trận đấu, Ban tổ chức V-League tiến hành kiểm tra doping đột xuất và ngẫu nhiên cầu thủ của các đội, những cầu thủ này sẽ không còn thoải mái sử dụng ma túy, do nguy cơ bị phát hiện sẽ lớn hơn hẳn. Đó cũng là biện pháp ngăn chặn từ xa lối sống phóng túng của một bộ phận cầu thủ nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.