Sao mình thấy… sợ sợ

01/11/2013 09:00 GMT+7

Không ít sinh viên học rất giỏi nhưng khi ra trường vẫn bị thất nghiệp trong thời gian dài vì họ không dám chấp nhận hoặc thiếu sự tự tin vào chính mình.

 Sao mình thấy… sợ sợ
Trao đổi, thảo luận với mọi người là một trong những cách để giúp bạn trẻ tự tin, dạn dĩ hơn - Ảnh: Lê Thanh

Không tự tin lắm

Chị Nguyễn Thanh Phú, làm việc cho một công ty bất động sản tại Q.7, TP.HCM, kể: “Mình có một người bạn tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, với tấm bằng loại khá, tiếng Anh nói lưu loát nhưng ra trường hơn một năm nay vẫn không chịu đi làm. Bạn bè ai cũng nóng ruột nên giới thiệu cho cô ấy vài chỗ làm nhưng cứ đến ngày công ty hẹn phỏng vấn, thì cô ấy không chịu đến. Khi bạn bè hỏi lại thì cô ấy nói: sao mình thấy sợ sợ và không tự tin vào ngoại hình cho lắm. Mà ngoại hình của cô ấy cũng đâu đến nỗi nào khó coi”.

Còn chị Trần Ngọc Thúy, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tâm sự: “Mình tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương. Sau khi ra trường mình làm việc bán hàng qua mạng cho một công ty nước ngoài với mức lương khá cao nhưng vì gia đình có biến cố nên mình xin nghỉ việc hơn 2 năm nay. Giờ cũng muốn nộp đơn xin việc lại nhưng cứ nấng ná vì mình thấy hiện nay có nhiều người vừa đẹp, vừa giỏi hơn mình mà họ còn không xin được việc làm, vì vậy nếu mình có nộp đơn vào công ty nào đó chắc cũng chẳng tới lượt đâu”.

 

Biết điểm mạnh để bồi đắp, phát triển, biết điểm yếu để khắc phục và đó cũng là một trong các nền tảng xây dựng sự tự tin

Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM

Từng mơ ước là sau khi ra trường sẽ trụ lại thành phố để làm việc nhưng sau vài lần nộp hồ sơ xin việc vào các công ty, tập đoàn lớn bị thất bại, Võ Hoài Hương (tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) không còn tự tin vào bản thân để tiếp tục ước mơ của mình. Giờ Hương đã trở về quê và làm một số công việc phụ giúp gia đình. 

Con chim sợ cành cong

Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Thiếu tự tin ở bản thân thì khó làm tốt được điều gì, nhất là những người khi đã thất bại lần đầu, như con chim sợ cành cong, họ sẽ không thoát ra được cái nỗi ám ảnh thua trận ấy. Lại thêm cái tâm lý là mình học giỏi, mà sao lại lận đận thế, càng làm cho họ thêm nản chí, thu mình trong vỏ ốc. Để thành công trong nghề nghiệp nào đó, thì ngoài sự thông minh đòi hỏi chúng ta phải giỏi kỹ năng. Vậy thì, ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, sinh viên phải nhận thức rõ điều đó và phải tìm kiếm cơ hội để luyện tập: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hòa hợp với người khác”.

Bàn về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM, chia sẻ: “Tâm lực là nguồn lực mạnh mẽ nhất. Trong đó, sức mạnh tinh thần, sự tin tưởng, tự tin vào bản thân, ý chí vươn lên là những yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, mỗi người phải biết tích lũy vốn quan hệ xã hội, dám dấn thân, năng động, nhiệt tình và hãy làm nhiều việc sẽ càng có cơ hội biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Biết điểm mạnh để bồi đắp, phát triển, biết điểm yếu để khắc phục và đó cũng là một trong các nền tảng xây dựng sự tự tin”.

Bên cạnh những yếu tố nêu trên, để phát huy tối đa sự tự tin, dạn dĩ của bản thân, thạc sĩ Như Quỳnh khuyên: “Mỗi bạn trẻ cần tích cực tham gia các lớp học ngoại khóa, các cuộc hội thảo, trao đổi, thảo luận, học nhóm, thuyết trình… Nên hạn chế tiếp xúc với những con người “tiêu cực” vì họ sẽ làm cho bạn nhụt chí, lo sợ, hoang mang”.

Lê Thanh

>> Lý do thất nghiệp
>> Cử nhân thất nghiệp
>> Đừng ngồi yên khi thất nghiệp
>> Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.